Chấn thương vai thường xảy ra trong các hoạt động thể thao, đặc
biệt là những hoạt động đòi hỏi phải thực hiện lặp đi lặp lại và quá mức các cử
động qua đầu, ví dụ như quần vợt, cầu lông, bơi lội và cử tạ. Các chấn thương
này cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các hoạt động hàng ngày như
phơi đồ. Hầu hết các vấn đề đều tiến triển chậm, trong đó dây chằng, cơ và gân
là những vùng có xu hướng bị ảnh hưởng. Các vấn đề về vai có thể ở mức độ nhẹ
hoặc nghiêm trọng, tùy thuộc vào độ nặng của chấn thương và khoảng thời gian
chấn thương không được điều trị. Các chấn thương thường gặp bao gồm:
Trật khớp
Vai là vùng dễ bị trật khớp nhất do khớp vai
cử động nhiều nhất trên cơ thể. Trật khớp vai là tình trạng xương cánh tay trật
ra khỏi hốc xương bả vai, đây là một chấn thương gây đau và thường xảy ra do
ngã hoặc trong quá trình chơi các môn thể thao va chạm.
Nếu được điều trị kịp thời, chức năng vai có
thể phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, khớp vai bị mất ổn
định sau một lần trật khớp, dẫn đến nguy cơ tái phát trật khớp cao hơn trong
tương lai.
Các dấu hiệu cảnh báo và triệu chứng trật
khớp bao gồm sưng hoặc bầm tím, đau dữ dội, nhìn thấy vai nằm không đúng vị
trí, cảm giác tê chạy dọc vùng cổ và không cử động được khớp vai. Hãy tìm đến
trợ giúp y tế ngay nếu thấy vai có dấu hiệu trật khớp.
Gãy xương
Chấn thương có thể làm gãy các xương cấu tạo
nên vai và có thể cần được phẫu thuật nếu tác động do chấn thương gây ra khiến
xương bị gãy và trật khỏi vị trí ban đầu. Đối với các trường hợp chấn thương
nhẹ, phương pháp điều trị thường là sử dụng băng đỡ để hạn chế mọi cử động cho
đến khi các mảnh xương lành lại, quá trình này thường kéo dài khoảng 6 – 8
tuần.
Các triệu chứng của gãy xương vai bao gồm đau ở vai, nhạy cảm đau, sưng, biến màu hoặc biến dạng ở vùng bị ảnh hưởng và gây hạn chế cử động ở vai.
Đông cứng khớp vai, còn gọi là viêm dính bao
khớp vai, là tình trạng vai bị cứng, cử động khó khăn và gây đau. Tình trạng
này tiến triển chậm, thường là sau khi bị chấn thương. Đông cứng khớp vai cũng
có thể liên quan đến các bệnh lý như đái
tháo đường. Khớp vai bị sưng dẫn đến hình thành mô sẹo, khiến các mô
xung quanh khớp vai bị cứng.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Đông cứng khớp vai thường khởi phát với
triệu chứng đau, khiến người bị ảnh hưởng có xu hướng tránh sử dụng vai. Tình
trạng này làm vai bị cứng và giảm khả năng cử động theo thời gian.
Các dấu hiệu và triệu chứng chính bao gồm:
– Đau
– Cứng
– Hạn chế cử động
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và
tiến hành khám vai. Các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán dưới đây có thể được sử
dụng để đánh giá độ nặng của chấn thương:
– Chụp X-quang
– Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Phương pháp điều trị
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm không phải
steroid (NSAIDS) để giúp giảm triệu chứng đau. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp
tăng phạm vi cử động vai theo thời gian. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể
đề xuất tiến hành can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật nội soi khớp vai.
Phẫu thuật nội soi khớp vai là một thủ thuật tiểu phẫu được thực hiện bằng cách đưa một ống dài, mảnh có gắn ống nội soi ở đầu vào vùng vai để đánh giá toàn bộ khớp vai. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật có thể rạch các vết rạch nhỏ để điều trị vấn đề ở khớp vai. Hãy trao đổi với bác sĩ để nắm được các phương pháp điều trị hiện có.
Chóp xoay bao gồm các gân và cơ phối hợp với
nhau để giữ cánh tay ở đúng vị trí, giúp vai có thể xoay và cử động được. Áp
lực có thể làm gân bị rách và sưng một phần, trong khi đó, lực tác động đột
ngột có thể khiến một trong các gân bị rách ngay ở giữa hoặc kéo ra khỏi xương.
Tình trạng này được gọi là rách chóp xoay. Vận động viên chơi các môn thể thao
va chạm như quần vợt, bóng đá hay thậm chí là bơi lội là những đối tượng dễ mắc
phải tình trạng này. Rách chóp xoay còn có thể xảy ra khi bị ngã do tai nạn
hoặc nâng vật nặng.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Rách chóp xoay thường gây đau và có thể dẫn
đến nguy cơ khuyết tật tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Cơn
đau có thể khởi phát đột ngột hoặc tiến triển từ từ, kèm hoặc không kèm tình
trạng yếu ở vùng vai. Các triệu chứng bao gồm:
– Yếu hoặc nhạy cảm đau
– Đau
– Hạn chế cử động
– Âm thanh răng rắc khi cử động vai
– Không thể ngủ nghiêng ở bên bị ảnh hưởng
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và
thực hiện khám lâm sàng. Các thủ thuật kiểm tra chẩn đoán dưới đây có thể được
sử dụng để đánh giá độ nặng của chấn thương:
– Chụp X-quang
– Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Phương pháp điều trị
Rách chóp xoay thường có thể tự lành. Tuy
nhiên, có thể cần tiến hành phẫu thuật nếu kết quả chụp X-quang hoặc MRI cho
thấy cơ học khớp vai bị ảnh hưởng bởi tình trạng rách, có khả năng dẫn đến tổn
thương không thể hồi phục hoặc nếu các triệu chứng không cải thiện khi đã sử
dụng phương pháp phục hồi chức năng hoặc vật lý trị liệu phù hợp.
Phẫu thuật nội soi khớp vai là thủ thuật
tiểu phẫu có thể được sử dụng để điều trị tình trạng rách chóp xoay. Một ống
dài, mảnh có gắn ống nội soi ở đầu được đưa vào vùng vai để đánh giá toàn bộ
khớp vai. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật có thể rạch các vết rạch nhỏ để điều trị
chấn thương. Hãy trao đổi với bác sĩ để nắm được các phương
pháp điều trị hiện có.
Viêm
lồi cầu ngoài xương cánh tay
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường xảy
ra ở những người chơi các môn thể thao sử dụng vợt như quần vợt và cầu lông,
mặc dù tình trạng này cũng ngày càng phổ biến ở những người không chơi thể
thao. Bất kỳ hoạt động nào, bao gồm hoạt động thể thao hoặc giải trí đòi hỏi
phải xoay hoặc nâng các cơ và gân ở cẳng tay gần khớp khuỷu tay một cách quá
mức hoặc lặp đi lặp lại đều có thể dẫn đến tình trạng này.
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay xảy ra khi
cử động lặp đi lặp lại gây căng các cơ và gân gắn với khuỷu tay, từ đó dẫn đến
những vết rách nhỏ và tình trạng sưng ở gần chồi xương (mỏm lồi cầu ngoài) trên
mặt ngoài khuỷu tay.
Nếu tình trạng của bạn xảy ra do căng khớp
khuỷu tay lặp đi lặp lại (ví dụ như khi chơi quần vợt), hãy nghỉ ngơi hoặc thay
đổi kỹ thuật để có thể giảm nhẹ tình trạng này. Việc tránh tạo áp lực đè lên
các cơ và gân xung quang vùng khuỷu tay giúp ngăn tình trạng này diễn biến nặng
hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng
Những người mắc viêm lồi cầu ngoài xương
cánh tay thường bị đau và nhạy cảm đau ở mặt ngoài khuỷu tay. Bệnh nhân cũng có
thể cảm thấy đau ở cẳng tay cũng như mu bàn tay.
Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao
gồm:
– Đau ở mặt ngoài khuỷu tay
– Nhạy cảm đau và sưng
– Đau khi gập hoặc nâng cánh tay, viết hoặc cầm nắm đồ vật
– Đau đi kèm với tình trạng cứng khi duỗi cánh tay hết cỡ
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh sử của bạn và
tiến hành kiểm tra tình trạng sưng và nhạy cảm đau. Các thủ thuật kiểm tra chẩn
đoán sâu hơn như siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng, đặc
biệt là khi nghi ngờ có tổn thương dây thần kinh.
Phương pháp điều trị
Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay thường tự
lành bằng cách nghỉ ngơi và giảm hoạt động gây ra tình trạng này. Bác sĩ có thể
kê thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAIDS) để giúp giảm triệu chứng đau
nếu cần. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp giảm tình trạng đau và cứng, đồng
thời giúp tăng phạm vi cử động theo thời gian. Có thể cần tiến hành phẫu thuật
nếu một phần gân bị tổn thương. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để nắm được các
phương pháp điều trị hiện có.
Hình ảnh: Pexel.com
nguồn bài:https://www.gleneagles.com.sg/